Bún cá ở Sài Gòn không thiếu chỗ bán, nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn đúng vị món này thì phải về đúng quê hương làm nên tên tuổi của nó – thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Địa chỉ thường được người truyền tai nhau nhiều nhất khi đến đây du lịch thường là quán trên đường Mạc Cửu đối diện trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật, có lẽ vì nơi đây nấu vừa miệng mọi người nên được biết đến nhiều hơn. Quán này cũng là địa điểm ưa thích của teen nơi đây.
Thành phần không thể thiếu trong món này đó là cá (tất nhiên), nhưng phải là cá lóc đồng. Bộ lòng cá được làm sạch để mang đi nấu nước lèo, còn thịt cá sau khi chín, rỉa hết xương thì được tách ra từng miếng và được xào sơ qua để khi ăn không bị tanh.
Ngoài cá ra thì thêm ít tôm nữa mới đủ làm nên món bún cá. Do đặc thù vùng sông nước nên tôm ở đây là tôm thẻ, to và thịt ngon hơn chứ không dùng tôm khô như thường thấy ở các quán trên Sài Gòn. Để có được màu đỏ gạch đặc trưng và hấp dẫn vậy là do tôm được rim với gạch tôm rồi nêm nếm cho ngon, chứ không phải là do phẩm màu đâu nhé. Quan trọng nhất đối với các món dùng nước phải nói tới nước lèo, ngoài dùng cá nấu được nói ở trên thì nước dùng có thêm xương ống heo và một tí gia vị nêm nếm cho đậm đà.
Rau nhút cắt khúc sắp dưới đáy tô. Cho một vốc bún sợi nhỏ vào tô, chế nước lèo thật nóng vào bún, chắt ráo nước, sau đó cho cá và tép lên trên, đổ nước lèo nóng ngập tô. Ngắt vài cọng rau răm rải lên mặt với vài lát ớt đỏ. Nêm bún bằng nước mắm ngon nguyên chất Phú Quốc thì mới đúng điệu, làm tăng hương vị món bún cá. Đặc biệt, bún cá Hà Tiên không sử dụng hành lá, rau thơm các loại, trừ rau răm.
Quán chỉ bán từ chiều tối thôi nhé và hay hết sớm lắm, chắc chắn ăn xong bạn sẽ muốn gọi thêm một tô nữa đấy! Nếu ăn thêm đầu cá thì tính thêm một chút. Bạn muốn ăn bún cá buổi sáng thì có thể đến chùa Quan Đế hoặc những hàng quán khác bán rất nhiều và không cần lăn tăn về độ ngon đâu. Thời tiết se se lạnh ở Hà Tiên mà ngồi thưởng thức một tô bún cá nóng hổi, thơm lừng thì còn gì tuyệt hơn.