Vùng đất Hà Tiên được khai mở vào đầu thế kỷ 17, gắn với bao lời ngợi ca non nước hữu tình. Tích xưa kể rằng tiên nữ thường đến chơi trên sông Giang Thành, vì vậy Mạc Cửu – người lập nên xứ này, mới đặt tên cho vùng đất là Hà Tiên. Ngày nay, vẻ đẹp thơ mộng hữu tình của vùng biển này như vẫn còn nguyên vẹn…
Bãi biển Hòn Chông là một trong những bãi biển hiếm hoi của vùng đất Nam bộ có nước biển trong xanh thơ mộng, không thua kém gì các bãi tắm của miền Trung. Xa khơi là hòn Tử còn lại trơ trọi giữa trời sóng nước, bên cạnh dấu tích Hòn Phụ đã nằm xuống cùng biển cả. Thế mới hay, kiếp đá cũng hạn hữu và cũng phải trở về với vĩnh hằng. Bãi biển bao bọc bởi núi non trùng điệp, thuyền bè neo đậu trong vịnh san sát, cảnh quan Hòn Chông quá đỗi bình yên.
Hòn Chông
Lên núi Tô Châu có thể nhìn ra Đầm Đông Hồ bình yên phẳng lặng giữa bốn bề sông núi. Những hàng bạch đàn, những vườn tiêu xanh ngát trập trùng theo triền núi. Trên đỉnh núi là ngôi chùa thanh tịnh, gió len lỏi về mát rượi. Từ đây nhìn xuống, có thể ngắm Đầm Đông Hồ bình yên, sông Giang Thành chảy hiền hòa, thị xã Hà Tiên xinh đẹp và cả dãy núi Thất Sơn của An Giang.
Cận cảnh núi Tô Châu
Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây) là một khối đá vôi khổng lồ cao gần 50m, gắn liền với truyền thuyết Thạch Sanh – Lý Thông. Bên trong động là những hang đá mát lạnh, những chùa chiền bình yên trong tiếng kinh kệ an lòng. Trên vách đá, bao bọc xung quanh là những khối thạch nhũ có hình tượng cô gái, chằn tinh… cho trí tưởng tượng của con người thỏa sức bay bổng. Bên ngoài hang đá là những làn gió mát rượi cùng bầu trời cao, quang đãng… Xa xa là thị xã Hà Tiên hiền hòa ẩn hiện.
Cửa hang Thạch Động
Đến Hà Tiên nhất định phải đến núi Bình San, từng được xưng tụng là “Bình San điệp thúy” trong thơ văn của Tao Đàn Chiêu Anh Các. Nơi đây người địa phương hay trìu mến gọi là núi Lăng vì trên núi này còn có lăng tẩm của vị khai trấn quốc công Mạc Cửu, vị tướng tài kiêm nhà thơ Mạc Thiên Tích – người đã có công sáng lập nên Tao Đàn Chiêu Anh Các, cùng mộ của các tướng sĩ đã theo phò họ Mạc xây dựng và bảo vệ Hà Tiên. Quần thể lăng tẩm không quá hùng vĩ cầu kỳ mà vô cùng giản dị dưới những tán cây bạch đàn mát rượi, xung quanh là những lối đi nhỏ xinh xắn như bước vào một công viên xanh mượt, làm dịu lòng người đến viếng các bậc tiền nhân.
Đền thờ họ Mạc
Dưới chân núi Lăng là ngôi đền yên tĩnh và trầm mặc thờ Mạc Cửu. Ngôi đền do Mạc Thiên Tích tự mình thiết kế và xây dựng từ năm 1735 đến 1739. Mặt đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu và dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng đền tựa vào vách núi vững chãi. Ngoài giá trị lịch sử, ngôi đền còn là một kiến trúc cổ có giá trị cao bởi từng đường nét chạm trổ tinh xảo, những chi tiết trang trí công phu, những mái đền duyên dáng, sân trước và vườn cây đều được bố trí rất mực hài hòa.
Chùa Tam Bảo
Hà Tiên có rất nhiều ngôi chùa bình yên thanh tịnh, nhưng có hai ngôi chùa được nhắc đến nhiều nhất, đều có gắn với dòng họ Mạc. Một là chùa Tam Bảo được Mạc Cửu cho xây năm 1730 để mẹ của ông là Thái Bà Bà tu niệm. Một ngôi chùa khác là Phù Dung cổ tự nằm ở phía Bắc núi Bình San do Mạc Thiên Tích xây dựng cho nàng Thứ cơ là Phù Cừ tu hành. Chùa Phù Dung cũng là bối cảnh trong vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” vốn làm rơi nước mắt của biết bao người.
Đến Hà Tiên, ngao du sơn thủy thanh bình, dạo chơi thong dong núi non rồi biển cả, ghé các đền chùa tưởng nhớ bậc tiền nhân và tận hưởng những giây phút an nhàn.., đó sẽ là chuyến đi không thể nào quên.