Tham quan di sản tồn tại 300 năm – Đình Vĩnh Hòa

Ngôi đình cổ nhất của tỉnh Kiên Giang – Đình Vĩnh Hòa, tọa lạc tại số 61 đường Nguyễn Hùng Sơn, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Là nơi sinh hoạt văn hoá thuần tuý của nhân dân vùng Rạch Giá từ lúc con người đến đây khai hoang lập ấp.

Đình được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ XVIII với tên gọi đầu tiên là miếu Hội Đồng, miếu thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị Tôn Thần thời Trung Hưng mà nhân dân cho là rất linh ứng.

Đình Vĩnh Hòa tự hào được triều đình Huế hai lần phong sắc: thời vua Minh Mạng (1832) và thời vua Bảo Đại (1934). Trong lịch sử chống Pháp xâm lược đầu thế kỷ XIX, đình Vĩnh Hoà là điểm khao quân của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sau khi hạ đồn Rạch Giá (16/6/1868). Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa 1932-1945, đình Vĩnh Hoà là điểm tựa của nhân dân Rạch Giá chống áp bức bóc lột, là một trong những nơi thành lập chi Bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của địa phương, là cái nôi hoạt động cách mạng bí mật của chi Bộ Đảng Cộng Sản, là địa chỉ đỏ tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào tỉnh Rạch Giá – Hà Tiên.

dinh vinh hoa

Trải qua nhiều cuộc biến đổi lịch sử, Đình Vĩnh Hoà cũng đã từng bước được tôn tạo lại. Đình có giá trị lớn trên 2 mặt lịch sử và sinh hoạt văn hoá cổ truyền, là nơi tổ chức hội hè, vui chơi như hát bội, múa lân, múa rồng… là công trình nghệ thuật độc đáo của nhân dân lao động nhằm gìn giữ phong tục, tập quán của người Việt trong thời kỳ phát triển lịch sử văn hoá, đánh dấu bước chân của người Việt đến đây mở mang bờ cõi.
Kiến trúc.

Đình được xây dựng vào thế kỷ XVIII, Cổng đình xây kiểu Tam quan, có hai tầng mái. Trên bờ nóc có đắp hình “Lưỡng Long chầu nguyệt”, hai bên cột có 2 câu đối. Sân đình có nhiều cây cổ thụ tạo cảnh quan thoáng mát, tôn thêm nét uy nghi của đình. Ở bên góc sân đình có ngôi miếu nhỏ thờ Ông Hổ để thờ cúng Ông Hổ và những vong nhân không may bị hổ, báo ăn thịt vì trước kia đây là vùng đất hoang vu, có nhiều thú dữ. Góc đối diện miếu Ông Hổ là bàn thờ Thần Nông, tục thờ Thần Nông là một nghi lễ cầu mưa in đậm trong văn hoá tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp.

dinh vinh hoa2

Cửa đình đóng kiểu “Thượng song hạ bản” (phía trên là con song, phía dưới là ván bưng). Các con song ở đây được chạm thủng biến thể thành các hoa văn cây lá, chim muông… rất độc đáo. Đình có kết cấu là tường xây bằng gạch vữa, nền lót gạch hoa, mái lợp ngói ống âm dương hai lớp. Mái đình Vĩnh Hoà có đặc điểm giống như các công trình tín ngưỡng tôn giáo của người Việt đó là: mái thấp, dàn trải theo chiều rộng. Trên mái đình sử dụng hình thức trang trí đắp nổi vôi vữa và cẩn mảnh sành hình một cặp rồng uốn lượn, giương nanh múa vuốt, chầu vòng tròn mặt trời với các tia lửa bốc cao ở chính giữa. Ở gờ mái và đầu hồi đắp hình tượng cá chép hoá rồng. Sự vững trãi của công trình là ở bộ khung bằng gỗ. Đình Vĩnh Hoà có lối bố trí kiên trúc theo kiểu chữ Tam, tức là ba khối nhà đứng song song kề nhau theo một đường trục thẳng: Võ ca – Võ quy – Chánh điện.

Các chi tiết của kiến trúc đình đều được những nghệ nhân xưa dùng bàn tay điêu luyện của mình chạm khắc thành những hình mẫu có giá trị nghệ thuật cao và văn hoá chạm khắc cây cỏ đã làm cho ngôi đình cổ như ấm áp, tươi nhuận hơn. Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều cổ vật đồ thờ trong di tích có niên đại cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX như Linh vật Ba Ba với truyền thuyết trung hậu, thủy chung.

Hàng năm, vào ba ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng (âm lịch), dân làng Vĩnh Hoà long trọng tổ chức lễ hội cổ truyền để dâng hương tưởng niệm vị thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, cầu Quốc thái dân an, còn gọi là Lễ hội Kỳ Yên.

Leave a Reply