Đến với Kiên Giang, du khách sẽ có dịp tham quan các bảo tàng hiện có của tỉnh. Đặc biệt ở Phú Quốc có Bảo tàng Cội Nguồn luôn gắn liền với cuộc sống của người dân xưa nơi này. Hãy cùng tìm hiểu đôi chút về Bảo tàng này nhé!
Phú Quốc có một bãi biển được bình chọn là đẹp nhất thế giới. Bạn có thể tin vào điều đó nếu đến thăm hòn đảo mang hình giọt nước mắt này. Còn có một Phú Quốc khác sâu lắng hơn, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa xưa. Đó là Bảo tàng Cội Nguồn ở số 149 Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông thuộc huyện đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang.
Toàn bộ khuôn viên bảo tàng tọa lạc trên ngọn đồi rộng 4ha, riêng khu nhà trưng bày cổ vật có diện tích 1.152m2. Bảo tàng Cội Nguồn giống như một Phú Quốc thu nhỏ, là câu chuyện kể về một nền văn hóa, một thời kỳ lịch sử. Đến tham quan Cội Nguồn, du khách có cái nhìn tổng quan về tự nhiên biển, rừng Phú Quốc.
Những mảng trưng bày ở tầng trệt tòa nhà giới thiệu những hiện vật từ nanh heo rừng, rêu hóa thạch đến xương bò biển, cá voi, hay những mảnh san hô, vỏ trai, đồi mồi trong lòng biển Phú Quốc. Tầng 1 là khu hang động thời tiền sử của đảo Phú Quốc. Khu này trưng bày những hiện vật, công cụ rìu đá, các loại phác vật có niên đại cách nay 2.500 năm được tìm thấy ở xã Cửa Cạn nằm về phía bắc đảo. Câu chuyện được tiếp nối với hình bóng của những người đầu tiên đến khai hoang vùng đảo Phú Quốc, họ Mạc vào thời kỳ đặt nền móng và xây dựng Phú Quốc thành vùng đảo trù phú, bắt đầu từ năm 1708. Chứng tích còn lưu lại nơi đây là những sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho họ Mạc những năm giữa thế kỷ thứ 19. Ta cũng có thể bắt gặp dấu vết của Nguyễn Ánh tại đảo trong thời kỳ bôn tẩu, hay người anh hùng Nguyễn Trung Trực qua hiện vật là những mảnh ván ghe lương của nghĩa quân trong trận đốt chìm tàu Pháp.
Trong các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước ở vùng biển Việt Nam từ năm 1990, Phú Quốc là nơi thứ hai được khai quật. Sự kiện này được đánh dấu bằng cuộc khai quật con tàu cổ ở Hòn Dâm ở phía nam đảo Phú Quốc vào tháng 5-1991. Giờ đây nó được tái hiện qua mô hình “con tàu đắm bờ Đông đảo” trên tầng 3, nơi trưng bày hàng trăm hiện vật gốm gia dụng như kendi, chum, hũ, bình, vịm… có niên đại thế kỷ thứ 15 – 16. Những ai quan tâm đến gốm cổ còn được thỏa mãn với bộ sưu tập gồm nhiều hiện vật từ những hũ đất nung Nam bộ thế kỷ 17 – 19, gốm Sài Gòn – Lái Thiêu đầu thế kỷ 20 đến các loại sản phẩm gốm Trung Quốc thế kỷ 18 – 19 trong tàu cổ Cà Mau được sưu tập tại Phú Quốc.
Một Phú Quốc của đời thường cũng được đưa vào bảo tàng (tầng 4) để du khách tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống sinh hoạt và phương thức sản xuất truyền thống của người dân địa phương. Mô hình ngôi nhà xưa của người dân đảo với vách được làm bằng vỏ cây kiền kiền, kiểu nhà đặc trưng ở mạn bắc đảo.
Câu đối trước cửa phòng trưng bày “Cây có Cội, nước có Nguồn” như nói lên tất cả chí nguyện của ông chủ trẻ mê “chơi” cổ ngoạn khi lập nên bảo tàng tư nhân đầu tiên của vùng châu thổ Cửu Long này.
Bảo tàng Cội Nguồn hiện lưu giữ trên 3.000 hiện vật, trong đó 2.645 cổ vật đã được Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam thẩm định có niên đại từ thế kỷ thứ 15 Tr.CN đến đầu thế kỷ 20. Không ai nghĩ đó là thành quả sưu tập của một cá nhân.