Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Dương Hòa (Kiên Lương) Giang Suol đưa tôi đến nhà anh Châu Văn Hải ngụ tổ NDTQ số 6, ấp Bãi Chà Và. Nhìn căn biệt thự nguy nga của anh sát Mũi Ông Cọp kèm theo lời giới thiệu anh Hải khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, thật sự tôi rất ngạc nhiên.
Anh kể lại đoạn đường lập nghiệp của mình: Trước đây tôi nghèo lắm, nên phải bôn ba nhiều nơi làm nhiều nghề mưu sinh. Tằn tiện rồi tích lũy chút vốn, tôi chuyển sang buôn bán nhỏ. Sau nhiều năm góp nhặt, tôi đã tạo dựng được cơ sở chế biến ghẹ xuất khẩu sang Cam-pu-chia, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động. Khi khá lên, suy nghĩ thấy mảnh đất này đã chở che, nuôi dưỡng mình. Vì vậy, khi có điều kiện thì phải biết giúp đỡ người khác, để họ vơi đi phần nào những khó khăn, vươn lên như mình. Không chỉ riêng anh Hải mà nhiều người khá giả trong ấp cũng có cùng suy nghĩ và hành động tương tự. Theo đồng chí Giang Suol, ở vùng này chuyện làm giàu cũng không phải là quá khó. Còn chỉ cần no ấm thì dễ như trở bàn tay. Hằng ngày chỉ cần xách lưới xuống biển, hoặc mua chiếc ghe nhỏ cũng có thể thu nhập được vài trăm nghìn đồng…
Rời căn biệt thự của anh Hải, đi dọc theo quốc lộ 80, tôi thấy những ngôi nhà khang trang như nhà anh Hải không ít. Chỉ một ấp nhỏ chưa đến 300 hộ dân mà có đến hàng chục hộ kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu, chủ yếu là thủy, hải sản. Ðược biết, ấp Bãi Chà Và có 254 hộ, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 40%. Còn ấp Hòa Phầu có 275 hộ, với gần 1.800 khẩu. Cơ cấu kinh tế chính của hai ấp này giống nhau: nông – lâm – ngư nghiệp. Theo đồng chí Trịnh Văn Lưu, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Bãi Chà Và, trước đây ấp Bãi Chà Và là một trong những nơi nghèo khó nhất xã. Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, lại là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng thiếu ăn vẫn thường xuyên xảy ra, năm nào cũng nhờ đến sự trợ giúp của cộng đồng. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, các chính sách được triển khai đồng bộ, sự nỗ lực của người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên kinh tế của ấp phát triển rất mạnh. Diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả giờ đã được nhân dân chuyển dần sang nuôi tôm và trồng các cây hoa màu như: đậu phộng, dưa hấu, đậu bắp… đem lại thu nhập khá và ổn định. Nổi bật là nhiều hộ đã phát triển cây tiêu, trồng cây gió bầu trên vùng đất khô cằn ngày trước. Cây tiêu đã cho thu nhập khá, còn cây dó bầu hứa hẹn trong một tương lai không xa. Toàn ấp hiện có 54 gia đình có mức thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm, chỉ còn một hộ nghèo. Nhân dân ở ấp Bãi Chà Và luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, sống hòa nhập, chia sẻ kinh nghiệm, vốn liếng để phát triển sản xuất. Trên địa bàn không còn tình trạng tranh chấp khiếu kiện gây mất đoàn kết, các hủ tục cũng đã được bài trừ. Ðây là đơn vị tiên phong trong các cuộc vận động lớn do cấp trên phát động… – đồng chí Giang Suol nhận xét.
Rời xã Dương Hòa, tôi thăm nhà Trưởng ấp Hòa Phầu. Tiếp tôi là một ông cụ râu tóc bạc phơ, cụ bảo: “Thằng Tuyền lên rẫy rồi, để tôi cho người gọi nó về”. Người ông cụ vừa nhắc là đồng chí Hồng Tuyền, Trưởng ấp Hòa Phầu. Ngồi trò chuyện cùng cụ, được biết trước đây người dân trong ấp Hòa Phầu nghèo lắm, chẳng có ngôi nhà nào ra hồn cả. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ, giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước nên người dân đã bám trụ lại lao động và xây dựng cuộc sống sung túc, ấm no hơn. “Giờ ở ấp này có nhà đã sắm được xe hơi rồi đấy! Gia đình tui cũng được Nhà nước hỗ trợ vốn nên mới có được ngày hôm nay…”- cụ dứt lời đồng chí Hồng Tuyền đã về đến. Ðồng chí Hồng Tuyền cho biết: Vào thời điểm này, trong ấp chỉ có người già và trẻ em ở nhà, còn mọi người đang bận chuyện đồng áng, nương rẫy. Những năm gần đây, cuộc sống của bà con đã khá hơn rất nhiều, trong nhà đã có tích lũy. Ðặc biệt, Hòa Phầu từ lâu không còn cảnh cờ bạc ăn thua, rượu chè say sưa như trước nữa – đồng chí Hồng Tuyền phấn khởi nói.
Từ giã Mũi Ông Cọp khi mặt trời dần chìm xuống biển, chỉ còn lại một vài tia sáng le lói phía chân trời. Tôi ngoái lại nhìn về phía cầu Tô Châu (Hà Tiên), ánh điện đã rực sáng, dòng người nô nức qua lại…