Bí mật về “bà cô Năm cứu độ” xứ Hà Tiên

Nói đến bà Mạc Mi Cô người dân Hà Tiên vẫn hướng đến với cái tâm thành kính và gọi bằng cái tên thân thiện, bà Cô Năm. Dân gian truyền tụng bà nhiều lần “hiển linh” độ thế, che chở dân chúng tránh những trắc trở, địch họa.

Người ta vẫn truyền nhau những câu chuyện đầy tính huyễn hoặc như: Có lần thấy bà bay lơ lửng trên trời, xua bom đạn Mỹ không rơi vào Hà Tiên, hay nhờ linh của bà mà 11 người trong am thoát khỏi mũi lê quân Pon Pot; rồi chuyện bà hiển linh báo oán viên quan Pháp vì khai quật mộ của mẹ…

nguoiduatin-11

Khu mộ bà Cô Năm (Mạc Mi Cô) ở phía Tây chân núi Bình San

Sự thực đằng sau những câu chuyện dân gian

Hiện nay, những người nghiên cứu về Họ Mạc vẫn tạm cho rằng bà mất năm 1750. Người ta kể bà chết lúc 13 tuổi. Bà là con của Tổng binh trấn Mạc Thiên Tích, cháu nội của người khai phá xứ Hà Tiên là Mạc Cửu. Bà là con thứ 5 tronggia đình 8 người nên gọi là Cô Năm. Nhưng ngay câu chuyện sinh ra bà cũng mang những màu sắc huyễn hoặc, rằng khi sinh ra bà biết nói ngay?.

Rồi lúc sinh thời tuy tuổi còn nhỏ nhưng bà có thể đoán trước được thế sự. Không ai biết bà mất vì nguyên do gì, nhưng chính xác là bà mất khi còn rất trẻ, lúc tạ thế mộ bà được chôn cất ở núi Bình San (nay là phía Tây núi Bình San) giữa một không gian hữu tình, bốn bề xanh lá. Với quan niệm người chết trẻ thường linh nghiệm, hơn nữa nhiều chuyện may mắn của người dân, thấy ứng với sự “phù hộ” của bà, nên với người dân Hà Tiên, bà rất linh thiêng, “cầu gì đặng ấy”.

Những câu chuyện chưa xác tín, đầy tính liêu trai được người ta kể như: Bà đã bay lên từ ngôi mộ ở núi Bình San xua bom Mỹ, đẩy đạn pháo của bọn diệt chủng Pon Pot ra cánh đồng ở vùng biên giới, nghe nửa thực nửa hư. Sự thật là những sự kiện Mỹ dội bom ở Hà Tiên (năm 1945), hay Pon Pot nã pháo vào Hà Tiên đầu năm 1978 lịch sử hoàn toàn ghi nhận. Nhưng có phải nhờ sự “hiển linh” của bà mà nhân dân được an toàn hay không thì chỉ là câu chuyện truyền miệng. Trận không chiến dữ dội giữa Mỹ và Nhật (năm 1945) mà tới nay người ta vẫn tin rằng “nhờ bà Cô Năm nên nhân dân Hà Tiên mới không có chuyện gì”.

Sau cuộc đảo chính của Nhật hất cẳng Pháp vào 9/3/1945, thì vào ngày 14/6 (đúng Tết Đoan Ngọ, ngày 5/ 5 năm ất Dậu), tại vùng biển Hà Tiên đã xảy ra đụng độ giữa đồng minh Pháp là hải quân Mỹ và quân đội Nhật Bản. Sáng ngày 14/6 những chiếc máy bay Mỹ xuất hiện từ phía Đông Hà Tiên, chúng bay thấp đến nỗi người ta áng chừng chạm ngọn cây chàm. Do đột ngột quân Nhật và nhân dân Hà Tiên không ai kịp lánh đi, những chiếc máy bay mang bom, đạn rồi nhằm vào các quả núi, trung tâm tỉnh lỵ Hà Tiên oanh tạc. Máy bay Mỹ giội bom liên tục, nhưng kết thúc chỉ có duy nhất một cụ ông 78 tuổi tên là Lâm Văn Nghĩa, nằm ngủ trong chòi ở chân núi Bình San, vô tình bị trúng mảnh bom nên thiệt mạng.

Không những thế, khắp tỉnh lỵ không một ngôi nhà bị trúng đạn, người dân Hà Tiên còn nghiễm nhiên đứng ngoài bãi biển yên tâm mà “xem” Mỹ và Nhật đánh nhau. Rồi có người nói rằng “khi bom nổ, nhiều người trú trên núi Bình San (phường Bình San, TX Hà Tiên) trông thấy bà Cô Năm bay lên trong đám mây, xua đuổi bom đạn ra những cánh đồng Tà Ten (nay Thuận Yên, Hà Tiên) nên nội tỉnh đông dân cư không ai vướng đạn(?).

Câu chuyện gần đây nhất mà người ta còn kể lại là nhờ bà Cô Năm mà trận pháo kích trên 1000 quả của quân diệt chủng Pon Pot vào đêm 23 rạng sáng ngày 24/3/1978 vào tỉnh lỵ Hà Tiên gần như được an toàn, không có thiệt hại về người.

Giai thoại về chuyện “gọi sét báo oán cho mẹ”

Hiện nay mỗi khi đi qua cửa tam quan, bên trái của lăng họ Mạc còn dấu tích cửa bịt kín, người ta nói rằng đó là hậu quả của một cuộc “nổi giận” của bà Cô Năm báo oán cho mẹ (mẹ Cô Năm là Hiếu Túc Thái Phu Nhân, vợ Mạc Thiên Tích, Tổng binh trấn Hà Tiên).

nguoiduatin-111

Ngôi chùa mang tên bà Cô Năm đang xây dựng ở Phường Bình San- TX. Hà Tiên

Theo những tài liệu do dòng họ Mạc ghi lại thì năm 1910, viên quan Tỉnh trưởng Hà Tiên người Pháp tên Roux Serret. Lúc đó hắn nghĩ rằng, sinh thời bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân (là vợ của Tổng binh Trấn Mạc Thiên Tích) chắc chắn giàu có. Đến lúc chết người ta sẽ chôn theo kho báu, hoặc ít ra cũng vàng ngọc, hay tài sản quý giá khác, nên hắn nảy ý gian khai quật. Tuy nhiên, khi quân lính phá được mộ của bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân thì chúng chỉ thấy một số đồ trang sức ít giá trị. Sau lần “động mồ mả” đó, một sự lạ đã xảy ra khiến viên quan người Pháp phải kinh hồn bạt vía.

Năm 1912, viên Tỉnh trưởng bỗng dưng trao quyền cho người khác. Người ta tin rằng, nếu không có sự việc đó thì lấy cớ đào núi làm đường, viên Tỉnh trưởng sẽ còn khai quật nhiều khu mộ nữa trong hệ thống lăng họ Mạc, để tìm vàng, ngọc. Họ cho rằng đó là điềm báo của bà Cô Năm dành cho những ai dám kinh động đến “chốn thiêng” của tiền nhân?.Trong một chuyến cưỡi ngựa đi tuần tra, đến gần nơi mộ bà Hiếu Túc bỗng giông tố nổi lên ầm ầm, hắn vội thắng ngựa vào một gốc dương lớn nhất. Một tiếng sét đánh ầm vào cây dương, cây nơi hắn trú bật gốc đổ xuống, một nhánh dương lớn đổ vào cổng tam quan của lăng mộ họ Mạc, khiến cổng đổ sụp. Con ngựa lồng hai chân trước hí lên, hất hắn xuống đất bỏ chạy, khiến hắn bị thương nặng. Sau lần đó, những hoạt động đào đất ở gần khu mộ bà Hiếu Túc không tiến hành nữa, công việc tái chôn cất mộ cũng được trịnh trọng tiến hành.

Theo thời gian, nhiều đời con cháu vẫn tin và cẩn trọng khi kể về những lần “hiển linh” của bà cô Năm. Mỗi ngày có rất nhiều người đến cúng viếng, cầu an và coi bà như vị thần hộ mệnh độ trì. Có hay không chuyện bà “hiển linh”, có hay không những nhân chứng trông thấy bà “bay trên mây”? Không ai khẳng định được, nhưng người dân Hà Tiên đều tin mỗi khi cầu xin bà Cô Năm ban phước lành, là mỗi lần vận may đến.

Hồ sơ của Ban quản lý di tích núi Bình San cũng ghi nhận những người dân đến đây tạ ơn Cô Năm vì đi biển bị gặp bão tố, cướp biển… đến ngưỡng của cái chết, họ chắp tay vái xin bà Cô Năm cứu giúp thì “đặng tất chuyện dữ hóa lành”.

Nói về vai trò tinh thần của bà Cô Năm, ông Giang Kẽm, thành viên Ban quản lý di tích lịch sử núi Bình San cho biết: “Nhân dân ở đây đều rất thành kính bà Cô Năm, họ tin rằng mỗi khi gặp đều dữ, nếu hướng về bà Cô Năm để cầu an thì đặng gặp lành, không chỉ người dân nơi đây mà mỗi ngày vẫn có nhiều người khắp nơi ghé đến thăm phụng”. Đó là con đường tồn tại và phát triển của tín ngưỡng dân gian.