Đầm Đông Hồ là một trong những vùng đất ngập nước, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, với diện tích tự nhiên 1.384,36 ha (chiều rộng 3,5 km; chiều dài 4,6 km), trong đó diện tích mặt nước là 903,34 ha, diện tích rừng ngập mặn 249,53 ha; đất thổ cư, vườn tạp 29,16 ha; đất nuôi trồng thủy sản 171,23 ha nằm tiếp giáp biên giới Việt Nam và Campuchia.
Đầm được các kênh nước ngọt Giang Thành – Vĩnh Tế, Rạch Giá – Hà Tiên, Rạch Két, Rạch Láng, Mương Đào, Rạch Ụ chảy vào. Đầm Đông Hồ ăn thông với cửa biển Trần Hầu nên ảnh hưởng chế độ nhật triều của vịnh Thái Lan. Vì vậy, đầm Đông Hồ có nguồn thức ăn phong phú và đa dạng.
Đầm Đông Hồ có một vị trí quan trọng trong hệ thống đầm-phá ven biển Việt Nam. Nằm ở vị trí trung tâm, chẳng những giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, đời sống của dân cư Hà Tiên, đầm Đông Hồ còn là nơi có giá trị đặc biệt về mồi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học không chỉ của riêng Kiên Giang mà của cả Việt Nam.
Đầm Đông Hồ còn có tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái nhờ cảnh quan thiên nhiên đẹp và vị trí ngay biên giới Campuchia. Với người dân địa phương, đánh bắt thủy sản tự nhiên trong đầm còn là nguồn thu nhập quan trọng đối với cuộc sống của họ. Tuy vậy, việc thiếu quy hoạch quản lý tài nguyên thiên nhiên phù hợp tại đầm Đông Hồ đã gây đe đọa đến tính toàn vẹn của đầm Đông Hồ. Bên cạnh đó, áp lực dân số gia tăng dẫn đến khai thác thủy sản cạn kiệt đồng thời, việc phát triển nuôi thủy sản ồ ạt, không theo quy hoạch đã dẫn đến hủy hoại số lượng lớn các cây ngập mặn quý hiếm. Cơ sở hạ tầng yếu kém đang gây xáo trộn dòng chảy tự nhiên và giảm chất lượng nước, tăng bồi lấp.