Đi thăm núi Ông Cọp gắn liền với tuổi thơ dân Hà Tiên

Núi Ông Cọp nằm cách trung tâm xã Dương Hòa 1km về hướng Tây Nam. Mũi núi này mang hai địa danh với hai điển tích khác nhau khá ly kỳ hấp dẫn. Đầu tiên gọi là Mũi Cồm Cộp, sau đổi lại là Mũi Ông Cọp.

Núi này là ranh giới của Huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Dân chúng sống quanh núi này thuộc 3 ấp: Hòa Phầu, Xoa Ảo (thuộc xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên) còn ấp Bãi Chà Và (thuộc xã dương Hòa, huyện Kiên Lương). Dân số vùng này gồm có 3 dân tộc: Kinh, Hoa và Khơme. Đa số làm ruộng rẫy, lưới cá và làm thuê.

mui-ong-cop

Ngày xưa, tại mũi núi này cọp thường nằm rình bắt người ăn thịt. Nhưng bẵng đi một thời gian lâu không còn ai nghe thấy cọp bắt người nữa. Thế rồi sự việc xưa lại tái diễn. Nhưng lần này có khác, cọp bắt người tha đi rồi mà không ăn thịt mà đem về tận nhà thả. Thật là hy hữu lạ lung làm sao.Ở ấp Hòa Phầu, thuộc xã Thuận yên có vợ chồng anh Danh Khịt (Khệt) người dân tộc khơme. Hai vợ chồng sống với nghề làm mướn, ai mướn gì làm nấy. Việc nặng nhọc thì chồng lãnh, việc nhẹ nhàng thì vợ làm. Hai vợ chồng rất hiền hậu, chân thật và siêng năng làm việc gì cũng chí thú hết mình nên bà con rất yêu thương. Ai có việc gì cần đều gọi vợ chồng anh làm cả.

Có một hôm gần ngày giỗ của ông nội, tại nhà ba chị Khịt ở Bãi Ớt. chị phải qua sớm để tiếp dọn dẹp chén dĩa và làm bánh trái để cúng.

Chiều hôm đó, lối 5 giờ hơn chị Khịt rời nhà ra đi, dưới tay xách một quầy chuối lá sim, trên đầu đội một thúng nếp nho nhỏ, mang cái bụng bầu gần ngày sinh, chị khệ nệ đi từng bước chậm chạp đến mũi Cồm Cọp. Bỗng nghe tiếng Cọp rống ngay trên đầu. Chị đưa mắt nhìn lên chót núi, bắt gặp ông Cọp rằn đang nhìn chằm chằm xuống chị. Chị sợ luýnh quýnh chưa biết tính sao. Rồi như có một sức mạnh đẩy chị té xuống. chị chỉ kịp “hự” được một tiếng rồi ngất xỉu luôn. Trong xóm nghe tiếng cọp rống họ biết là có chuyện chẳng lành. Chờ một lúc họ mới rủ nhau đến mũi núi xem chuyện gì đã xảy ra.

mui-ong-cop-2Họ đi đến gần mũi núi thì thấy nếp văng trắng xóa trên mặt lộ, cái thúng cũng nằm gần đó. Còn quầy chuối thì nằm bên kia đường, trái thì bị dập nát. Trên lưng chừng núi có chiếc khăn rằn máng trên cành cây có dính chút máu. Họ khẳng định có người bị cọp bắt. Trong số người đi xem có một chị lên tiếng: Thôi đúng rồi chính là chị Khịt. Hồi ban chiều tôi thấy chị đi ngang qua nhà tôi. Đầu đội thúng nếp, tay xách quầy chuối. Tôi có hỏi chị đi đâu. Chị trả lời đi làm đám giỗ cho ông nội ở Bãi Ớt.

Họ liền huy động bà con trong xóm đi tìm xác. Họ lấy rơm rạ bó làm đuốc. Lấy thùng thiếc, mâm thau, nồi đồng làm tiếng động. Họ chia thành nhiều nhóm, đi tìm nhiều ngã. Đèn đuốc sang rực, tiếng động làm vang dội một góc trời. Không có hang ngách nào trên núi mà họ không tìm đến nhưng cũng không thấy xác chị Khịt đâu cả. Họ đinh ninh xác đã bị cọp đem tuốt vô rừng rồi. Bà con đành trở về nhà anh Khịt để lo lập bàn thờ cúng kiến.

Bàn thờ lập ở giữa sân xong. Anh Khịt cúng vái vợ rối đứng bên cạnh bàn thờ để trông coin hang đèn không để cho tắt và cũng để lạy tạ những bà con. Ai thấy cảnh anh Khịt cũng đều mủi long thương cảm. Nhứt là thương cho anh mới vừa có được một đứa con chưa chào đời đã vội vàng theo mẹ, xa cha!.

Trời về khuya, sương xuống nhiều làm cho vùng rừng núi Xoa Ảo mờ nhạt, không gian trở nên lạnh lẽo và yên lặng vô cùng. Thỉnh thoảng có vài tiếng chim Quốc gọi bạn rời rạc ở bìa rừng nghe áo não làm sao! Hay những tiếng chim cú gọi hồn ở đầu núi nghe lạnh lung rợn óc. Những người đến tham dự đám tang này cũng lần lượt ra về bớt, chỉ còn lại mốt số bà con than thích để an ủi anh thôi.

Tiếng gà đã gáy sang canh tư. Một số người uể oải trải đệm ngũ trước sân nhà hay ngoài mái chái. Chỉ có một vài ông lão ngồi uống trà tán gẫu chuyện xưa nay. Còn ở bàn thờ vọng cúng ngoài sân, anh Khịt đứng coin gang đèn thỉnh thoảng sụt sùi khóc. Bỗng ở ngoài sân có một người xõa tóc khệnh khạng đi vào gần đến anh Khịt ú.. ớ.. rồi ngã phịch xuống ngất xỉu luôn. Anh Khịt nghe tiếng động quay chở lại thấy có người nằm xõa tóc thì la: Ma bà con ơi! Ma! …Ma! Anh liền bỏ chạy. Một số người nằm ngũ gần đó nghe la liền tỉnh giấc vũng bỏ chạy luôn. Chỉ có một vài người dạn dĩ đi đến quan sát, họ nhận ra là chị Khịt liền hô lên. Mọi người bu lại bồng chị vào nhà lau chùi đất cát, pha sữa cho chị uống và để chị nằm nghĩ. Một lúc sau chị tỉnh lại ngơ ngác nhìn quanh nhà, nhìn mọi người chị òa khóc. Mọi người thấy chị tỉnh lại cũng mừng rỡ đem cháo đút cho chị ăn. Để chị nằm them một chút nữa đợi cho chị thật khỏe và tỉnh táo mới hỏi.

– Cọp đã tha chị rồi sao chị lại về nhà được?

Nghe hỏi chị nhắm mắt để nhớ lại, rồi từ từ chị nói.

Lúc tôi đi đếm mũi Cồm Cộp nghe tiếng Cọp rống tôi nhìn lên thấy ổng thì ổng nhảy xuống vồ tôi, tôi ngất xỉu không biết gì hết… tới khuya tôi tỉnh lại, tôi nghe có tiếng khì khì trên đầu và chung quanh mặt tôi có cái gì nham nhám, nhơn nhớt rà qua rà lại, tôi mở mắt hí hí nhìn, tôi nhìn ngược lên trên thấy bong dáng ông Cọp đang ngồi. Sợ quá tôi á lên một tiếng rồi ngất xỉu nữa. Không biết bao lâu tôi tỉnh lại thấy mình nằm trên bụi cỏ trước mặt nhà. Nhìn vào nhà thấy đèn đuốc sang choang, thấy anh Khịt đứng bên bàn thờ. Tôi cố gắng đi và và gọi anh nhưng gọi không nên lời, lại té xỉu nữa.

mui-ong-cop-3
Nghe chị Khịt kể, đúng là chuyện hy hữu. Cọp bắt người được rồi mà không ăn thịt, còn tha tới tha lui đến tận nhà trả. Có người tỏ ra mình am tường thì nói đây là Cọp Thần. Vì Cọp Thần không bao giờ ăn thịt người. Từ đó người địa phương mới đặt mũi núi là Mũi Núi Ông Cọp. Địa danh này thay đổi địa danh danh Cồm Cộp và sử dụng cho đến ngày nay.Riêng phần anh Khịt, để kỷ niệm cho sự việc này. Khi vợ sanh được một thằng con trai anh đặt tên nó là Kha (tiếng khơme là Khờ có nghĩa là Cọp), dân chúng cũng có đặt hai câu thơ:

Mũi Cồm Cộp có ông hổ rằn,
Đàn ông thì bắt, đàn bà thì tha.