Cùng đi thăm nhà lưu niệm Đông Hồ tại Hà Tiên

“Núi Mộng”, “Gương Hồ” là cách gọi ví von cho đôi tài tử giai nhân Mộng Tuyết – Đông Hồ một thời làm rạng rỡ nền văn học đất Phương Thành xưa, nay là thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Những ai yêu thơ văn, đến Hà Tiên cũng phải ghé lại “ngôi nhà thơ” bên dòng Đông Hồ thơ mộng…

Đi dọc theo bờ sông Đông Hồ, du khách sẽ thấy một ngôi nhà có chiếc cổng lạ mắt. Cánh cửa luôn khép hờ. Bên trong là khu vườn nhỏ trồng các loài hoa. Có cây liễu rủ mơ màng, che khuất tầm từ cổng vào nhà. Nhiều người gọi đó là “ngôi nhà thơ” – hiện là nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ-Lâm Tấn Phác, nằm bên bờ vũng Đông Hồ, thuộc phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ngôi nhà được xây dựng trên nền của Trường Trí Đức học xá ngày xưa.

Trí Đức học xá là ngôi trường do ông Lâm Tấn Phác (Đông Hồ) xây dựng vào những năm 1926-1934 để dạy chữ và truyền đạt lòng yêu nước cho trẻ em ở địa phương. Ông còn là một thi sĩ, nhà văn có tiếng ở Nam Kỳ trên văn đàn thời bấy giờ, với nhiều bút hiệu: Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu tiên sinh… và là tác giả nhiều bài báo trên nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn thời đó, như: Nam Phong, Phụ Nữ tân thời, Việt dân, Tri Ân, Văn hóa nguyệt san… Đông Hồ được xem là một trong những người khởi xướng viết thư pháp bằng tiếng Việt hiện nay phổ biến trong giới trẻ và những người yêu tiếng Việt. Đời sau ghi nhận ông không chỉ là một nhà thơ, nhà văn trên văn đàn một thời mà còn ghi nhận tấm gương một người thầy tận tụy. Ông đã chết khi đang đứng trên bục giảng vào năm 1969. Và ngôi nhà lưu niệm này là do vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết dựng nên trên nền ngôi trường đó để tưởng nhớ đến ông. Bà mất năm 2007 và ngôi nhà được người thân trông coi, phục vụ khách làng thơ, những người yêu mến đôi tài tử giai nhân được mệnh danh là núi Mộng-gương Hồ.

92_big

Du khách đến “ngôi nhà thơ” được thỏa lòng tìm hiểu về cuộc đời, thân thế của đôi trai tài-gái sắc đất Phương Thành xưa. Du khách có thể ngồi trò chuyện, đọc sách suốt cả ngày, thậm chí vài ngày tại ngôi nhà này. Cô Hoa, cháu của nữ sĩ Mộng Tuyết, người trông giữ ngôi nhà này – vốn là một giáo viên dạy Văn đã về hưu- có thể tiếp chuyện với du khách bất cứ lúc nào. Cô nói: “Bà mất đi, ngôi nhà trống vắng lắm. Những lúc có khách viếng thăm, ngôi nhà như cũng đang có sự hiện diện của ông bà…”. Có những đoàn vài chục người từ nhiều nơi đến thăm chỉ để nhìn lại gian phòng nơi nữ sĩ Mộng Tuyết thường ngồi bên cạnh bàn thờ của thi sĩ Đông Hồ. Đó là một gian phòng nhỏ, trưng bày các bút tích, di ảnh, tác phẩm của đôi thi sĩ. Thơ văn của ông bà gắn với vùng đất quê hương của tao đàn Chiêu Anh Các nên rất hấp dẫn du khách yêu thích thơ. Lúc sinh thời, Mộng Tuyết-Thất Tiểu Muội thường tiếp khách yêu văn thơ tại đây. Nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Vũ Hạnh, Hoàng Trung Thông… thỉnh thoảng lại đến thăm “bà già thơ” rồi trò chuyện, tranh luận… Nhà lưu niệm hiện còn lưu giữ nhiều quyển sách quý, có những quyển xuất bản ở Pháp… phục vụ cho khách đến đọc, nghiên cứu tại chỗ.

Nha-Luu-Niem-Thi-Si-DOng-Ho
Trước nhà là vũng Đông Hồ thơ mộng chảy từ biển đổ vào đầm Đông Hồ – ngày trước đã từng đi vào thơ trong “Hà Tiên Thập Cảnh vịnh” với bài “Đông Hồ ấn nguyệt”. Đêm trăng, Đông Hồ càng thêm thơ mộng, lãng mạn. Có những lúc, mặt hồ phẳng lặng, bóng trăng in xuống dòng nước trong vắt, gợi bao cảm hứng cho khách yêu thơ suốt hàng thế kỷ. Đến bây giờ, dòng sông ấy, mặt hồ ấy vẫn là niềm cảm hứng dồi dào cho thi nhân mặc khách. Bên kia sông là ngọn Tô Châu không cao lắm nhưng là điểm nhấn của phong cảnh đất Hà Tiên. Buổi chiều tà, Tô Châu in bóng Đông Hồ với những chuyến đò muộn gợi cảm giác như bức tranh thủy mặc. Đất Hà Tiên vẫn còn lưu câu chuyện truyền miệng về những nàng tiên từ trời cao xuống tắm trên dòng nước này.